Mỗi năm biển lấn sâu vào đất thêm vài mét, phù sa mất tiêu đâu đó trên thượng nguồn, giấc mơ mũi Cà Mau hằng năm lấn mình ra biển giờ chỉ còn trong trí nhớ. Đồng bãi được thay cho mấy lớp cát đá xi măng khô khốc, trơ trọi. Cây lúa oằn mình với nắng, gió và nước mặn chát lù lù chạy vô bờ càng lúc càng xa, càng sâu. Miền Tây được tả bằng mùa nước nổi, mùa này mùa kia chắc một ngày nào đó cũng theo câu chuyện mà người lớn vẫn nhắc với trẻ con "hồi xưa ở chổ má thích lắm nhen, tới mùa là cá lội bì bõm, cây trái xanh tươi..." mất dần, mai một dần.
Mùa nắng về, người ta cứ nghĩ nép mình vào phòng kín máy lạnh chắc là sung sướng lắm, nhưng mà họ đâu biết rằng mắc một cái võng dưới lùm cây sum xuê, hay, bên bờ sông man mát gió có bóng cây um tùm xanh, cũng đủ sung sướng cho mấy ngày hè nắng điên cuồng đốt cháy cả tinh thần, cảm xúc.
Người ta quên đi dưới những tán cây đó, có cả tuổi thơ của mình, quên đi mùi vị thoang thoảng của đất, của cây ăn trái vừa chín tới, của hoa dại mọc hoang trong vườn. Họ chỉ nhớ mùi xe cộ, nhớ mùi tạp nham trong phòng lạnh hay những vị mặn chát của mồ hôi quần quật ngoài đường, ngoài phố, tìm mãi mới thấy vài bóng cây trơ trọi, bất lực giữa những lớp lớp nhà cao tầng.
Rồi mùa mưa đến, họ ngóng trông những cơn mưa mát lành nhưng cũng không biết được mỗi năm nước mưa lại chua và nhớt lờm khi chạm vào người, rát đỏ khi chạm vào mắt.
Cuộc sống công nghiệp cho người ta nhiều tiện lợi, nhưng cũng lấy đi nhiều thứ hay ho mà thiên nhiên với con người hay chung sống. Ở Sài Gòn mới thấy sợ, tiếng ồn bị ô nhiễm ngang với không khí, nhiều khi, chỉ mong đi đâu đó có đồng có bãi, có nhà rồi ở lại. Chiều chiều ra ngoài sân ngồi nghe chim kêu, gió thổi.
Tự nhiên muốn nép qua bên đời, thong thả nhìn thời cuộc.
Nhận xét
Đăng nhận xét